CÔNG TY CON CỦA CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC ĐỨNG TÊN SỔ HỒNG?

Tình huống pháp lý: Công ty tôi là công ty Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài muốn mua nhà từ cá nhân ở Việt Nam nhưng không được. Vì vậy, tôi định lập công ty con để tiến hành thủ tục thực hiện việc này. Nhờ luật sư tư vấn cho tôi công ty con do công ty tôi lập có được xem là có 100% vốn Việt Nam và có được mua, đứng trên trên sổ hồng không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:

[1]. Quy định liên quan đến việc thành lập Công ty Con.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty mẹ, Công ty con được hiểu như sau:

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
  2. b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
  3. c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.”

Theo đó, để trở thành Công ty mẹ của một Công ty khác thì Công ty mẹ phải đáp ứng một trong các trường hợp nêu trên. Đồng thời, do Công ty mẹ là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nên hoạt động thực hiện đầu tư của Công ty mẹ cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2014:

“Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

  1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  3. b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
  4. c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
  5. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.”

Theo đó, việc thành lập Công ty con khi Công ty mẹ là công ty có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng tùy theo các trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Nếu tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC. Có nghĩa là khi thành lập Công ty con trong trường hợp này vẫn phải tiến hành thủ tục để xin giấy phép về đầu tư.

– Trường hợp 2: Nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập Công ty con nhưng nắm giữ vốn dưới 51% vốn điều lệ thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Có nghĩa là khi thành lập Công ty con trong trường hợp này thì tiến hành các thủ tục bình thường như nhà đầu tư trong nước.

[2]. Công ty Con do Công ty Mẹ có vốn đầu tư nước ngoài thành lập có phải là công ty 100% vốn Việt Nam?

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: “Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.”

Theo quy định tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2014: “Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Theo quy định tại Khoản 17, Điều 3 Luật Đầu tư 2014: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Từ các căn cứ trích dẫn nêu trên có thể nhận thấy Công ty Con được thành lập tại Việt Nam, do đó chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Sau khi thành lập, Công ty mẹ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Công ty con với tư cách là chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông phụ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con.

Công ty mẹ là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập Công ty con trở thành thành viên góp vốn/cổ đông tại Công ty con. Vậy nên, Công ty Con trong trường hợp này vẫn là Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

[3]. Về việc mua và đứng tên bất động sản của Công ty con có Công ty mẹ là công ty Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài.

Như đã phân tích ở trên, công ty con khi công ty mẹ là công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, việc mua bán, sang tên bất động sản thuộc sự điều chỉnh của pháp luật như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo Điều 159 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

Điều 159. Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

  1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
  2. a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
  3. b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
  4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
  5. a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
  6. b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ…

Đồng thời, khoản 2 Điều 160 Luật nhà ở cũng quy định về điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Điều 160. Điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

  1. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.”

Theo đó, công ty con của công ty mẹ là công ty có vốn đầu tư nước ngoài được mua và đứng tên bất động sản khi đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 159, 160 Luật nhà ở 2014, chỉ được mua nhà ở và có các quyền sở hữu khi đầu tư xây dựng nhà theo dự án hoặc mua nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, không được mua căn hộ từ cá nhân người Việt Nam.

Vậy, đối với công ty con do công ty mẹ là công ty có vốn đầu nước ngoài thành lập, thì không được mua và đứng tên sổ hồng căn hộ từ cá nhân Việt Nam.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Công ty con của công ty có vốn nước ngoài có được đứng tên sổ hồng? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *