TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN THÔNG QUA HỢP ĐỒNG VAY?

Tình huống pháp lý: Công ty tôi là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, vừa rồi người đại diện theo pháp luật của Công ty có ký Hợp đồng tín dụng mà bên vay đứng tên Công ty nhưng hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên. Vậy trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì công ty có phát sinh nghĩa vụ thanh toán hay không? Mong Quý Công ty Luật 36 tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 56 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ như sau: “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.

Ngoài ra, Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, cụ thể:

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Người được đại diện đồng ý;
  2. b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
  3. c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
  4. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch…”.

Dẫn chiếu theo các quy định trên và theo hướng dẫn tại Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc giải đáp các vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự và kinh doanh, thương mại thì về nguyên tắc hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải được Hội đồng thành viên Công ty thông qua. Người đại diện theo pháp luật của Công ty giao kết hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty mà không được Hội đồng thành viên thông qua thì được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.

Chính vì vậy, có thể phát sinh 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nói trên thì làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty (người được đại diện); khi đó bên vay được xác định là Công ty. Trường hợp hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên về nội dung thông qua hợp đồng vay, nhưng có tài liệu, chứng cứ thể hiện khoản tiền vay được chuyển vào tài khoản của Công ty, được Công ty sử dụng, được hạch toán trên sổ sách, giấy tờ của Công ty thì được coi là Công ty đồng ý với hợp đồng tín dụng do người đại diện của Công ty xác lập, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, Công ty sẽ có nghĩa vụ thanh toán đối với khoản tiền đã vay theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng nói trên.

Trường hợp 2: Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và có tài liệu, chứng cứ cho thấy người đại diện theo pháp luật sử dụng số tiền vay được cho mục đích cá nhân thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty. Căn cứ khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này, bên vay được xác định là cá nhân người đại diện đã ký hợp đồng tín dụng.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Trách nhiệm của Công ty TNHH hai thành viên trở lên thông qua hợp đồng vay? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *