NGƯỜI MẤT TÍCH BAO LÂU THÌ ĐƯỢC XEM LÀ ĐÃ CHẾT VÀ TÀI SẢN CỦA NGƯỜI BỊ TUYÊN BỐ LÀ ĐÃ CHẾT ĐƯỢC XỬ LÝ THẾ NÀO?

Tình huống pháp lý: Xin chào Luật sư, chồng tôi làm nghề đi biển trong một chuyến ra khơi từ năm 2011 thì anh mất liên lạc với gia đình từ đó cho đến nay không có bất cứ thông tin gì, chúng tôi có với nhau một con trai năm nay đã 14 tuổi, chồng tôi có tài sản riêng là một thửa đất có diện tích 300 mcó xây dựng nhà trên đất và hiện nay tôi và con tôi đang sinh sống trên ngôi nhà. Nay tôi muốn bán căn nhà đó và chuyển về quê sống cùng bố mẹ ruột, tôi nghe nói người mất tích quá lâu thì được xem là đã chết vậy tài sản thuộc về người đó có thể xử lý như thế nào? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Luật sư, tôi xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:

1. Người mất tích thuộc trường hợp nào thì được Tòa án tuyên là đã chết?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích là đã chết:

“a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”

Đối chiếu với trường hợp của bạn, chồng bạn đã mất tích hơn 05 năm và không có tin tức xác thực là còn sống thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng bạn đã chết. Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích là đã chết như thế nào?

Căn cứ Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người có quyền, lợi ích liên quan có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu người nộp đơn phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật dân sự

Như vậy yêu cầu tuyên bố một người là đã chết thì người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo thủ tục sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích là đã chết. Người có quyền yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu sau đây:

– Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. Đơn này được thực hiện theo Mẫu số 92-DS tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Người nộp đơn yêu cầu có thể đánh may hoặc viết tay đơn yêu cầu giải quyết.

– Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu của người nộp đơn yêu cầu và người được yêu cầu tuyên bố là đã chết.

– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người nộp đơn yêu cầu và người được yêu cầu uyên bố là đã chết; Giấy tờ chứng minh có quyền, lợi ích liên quan với người được yêu cầu tuyên bố là đã chết

– Chứng cứ chứng minh người được yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định pháp luật. Ví dụ như chứng cứ về việc người đó đã chết, chứng cứ về việc người yêu cầu đã thông báo, tìm kiếm (xác nhận của cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình,…). Nếu đã có quyết định tuyên bố mất tích phải có bản sao quyết định của Tòa án.

Bước 2: Thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.

Nội dung thông báo bao gồm:

– Ngày, tháng, năm ra thông báo;

– Tên Tòa án ra thông báo;

– Số và ngày, tháng, năm của quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết;

– Tên, địa chỉ của người yêu cầu Tòa án thông báo;

– Họ, tên và ngày, tháng, năm sinh hoặc tuổi của người cần tìm kiếm và địa chỉ cư trú của người đó trước khi biệt tích;

– Địa chỉ liên hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu người cần tìm kiếm biết được thông báo hoặc người khác có được tin tức về người cần tìm kiếm.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, UBND cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Thời hạn thông báo tìm kiếm là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

Lưu ý: Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm do người yêu cầu chi trả.

Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

Bước 3: Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích là đã chết.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Trong quyết định này, Tòa án xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết.

3. Tài sản của người mất tích bị tuyên bố là đã chết được xử lý ra sao?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 thì quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Như vậy, nếu chồng bạn bị Toà án tuyên bố là đã chết thì tài sản của chồng bạn sẽ thuộc về những người thừa kế thứ nhất của chồng bạn, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống trở về có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Người mất tích bao lâu thì được xem là đã chết và tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *