GIAO DỊCH DÂN SỰ LÀ GÌ? CÓ HIỆU LỰC TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Mọi người thường nghe đến giao dịch dân sự nhưng không phải ai cũng biết giao dịch dân sự là gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.

Giao dịch dân sự là gì?

Giao dịch dân sự là khái niệm được định nghĩa tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự gồm có hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, là căn cứ để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trong đó:

  • Hợp đồng được hiểu là căn cứ dùng để ghi nhận lại sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Có thể ví dụ hợp đồng là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán ô tô, hợp đồng hợp tác kinh doanh…
  • Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi của một phía cá nhân nhằm thay đổi, bắt đầu hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, có thể kể đến giấy ủy quyền, lập di chúc, hứa thưởng…

Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản (bao gồm giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử) hoặc bằng hành vi cụ thể.

Lưu ý: Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện để giao dịch đó có hiệu lực thì phải tuân theo quy định đó. Ví dụ như một số trường hợp yêu cầu giao dịch phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì các bên tham gia giao dịch dân sự phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đó.

Giao dịch dân sự có hiệu lực trong trường hợp nào?

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự chỉ được coi là có hiệu lực nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

Về chủ thể

– Những cá nhân, tổ chức giao kết giao dịch dân sự phải là chủ thể có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch mà mình xác lập.

Ví dụ: Giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người giám hộ hoặc khi các bên giao kết hợp đồng mua bán nhà, đất thì các bên là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…

– Các đối tượng tham gia trong giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và sự tự nguyện, công bằng… của cá nhân, tổ chức trong giao kết, thực hiện giao dịch dân sự.

Ví dụ: Trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tinh thần và sự tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa dối khi lập di chúc (theo điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)…

Về mục đích, nội dung giao dịch dân sự

– Không vi phạm điều cấm của luật. Tức là, giao dịch đó phải thực hiện theo những gì pháp luật không cấm, không cho phép chủ thể thực hiện. Ví dụ: Pháp luật Việt Nam cấm cá nhân, tổ chức buôn lậu. Do đó, các bên không thể thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán tài sản để phục vụ cho việc buôn lậu…

– Không trái đạo đức xã hội. Những quy tắc, quy chuẩn đạo đức xã hội thường được áp dụng trong một cộng đồng dân cư hoặc trong cả xã hội. Do đó, các thỏa thuận trong giao dịch dân sự không được vi phạm điều đó.

Có thể kể đến ví dụ như: Anh A vay anh B 01 triệu đồng nhưng không có khả năng trả nợ. Anh A đưa ra đề nghị, anh B phải cùng với anh A cô lập anh C vì anh A ghét anh C thì khi đó anh A sẽ xóa nợ cho anh B. Đây là giao dịch dân sự vi phạm đạo đức xã hội.

Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm đạo đức xã hội như kỳ thị người khác, gian lận, phân biệt đối xử… Đặc biệt, hành vi vi phạm đạo đức xã hội có thể đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật.

Về hình thức của giao dịch dân sự

Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự nêu rõ, ngoài những điều kiện nêu trên, nếu pháp luật có quy định hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Ví dụ: Khi cá nhân, tổ chức muốn mua bán nhà, đất với nhau thì hợp đồng mua bán bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải có công chứng hoặc chứng thực. Do đó, các bên trong giao dịch dân sự này bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện này.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Giao dịch dân sự là gì? Có hiệu lực trong trường hợp nào? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *