Tình huống pháp lý: Tôi và chồng tôi trước khi ly hôn có một con chung, cháu năm nay được 03 tuổi. Do điều kiện khó khăn, tôi đi xuất khẩu lao động, nên khi ly hôn chúng tôi thỏa thuận chồng tôi được nuôi cháu.
Năm nay tôi về ăn tết tại Việt Nam, tôi có lên nhà nội để xin phép đón con về ăn tết cùng ông bà Ngoại. Tuy nhiên, ông bà Nội cháu cho rằng tôi đã ly hôn, con đã đưa cho chồng nuôi nên không được quyền thăm gặp, cũng như đưa cháu về chơi tết bên nhà ngoại. Vậy tôi xin hỏi tôi có quyền được thăm con tôi và đưa con tôi về chơi bên ngoại hay không ?
Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì khi ly hôn, bạn và chồng đã thỏa thuận về việc chồng bạn là người nuôi con. Vậy nên, bạn không được xem là người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, bạn mặc dù không phải là người trực tiếp nuôi con nhưng vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, kể cả chồng của bạn trước đây. Việc thăm nom con không được cản trở, gây ảnh hưởng xấu tới việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đối với sự việc của bạn thì việc đưa con về chơi bên nhà ngoại nếu không gây cản trở, gây ảnh hướng xấu tới con thì bạn có quyền đề nghị, đưa ra yêu cầu được đưa con về thăm gia đình bên ngoại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại d, khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì hành vi bạo lực gia đình gồm: “Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.
Như vậy, việc ngăn cản bạn thăm con là một hành vi được xem là bạo lực gia đình.
Theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định xử lý vi phạm đối với Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Do vậy, nếu người nào thực hiện hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa mẹ và con, không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án thì người ngăn cản có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Ông bà nội có được cấm mẹ đón con về thăm ông bà ngoại sau khi đã ly hôn hay không? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa