Tình huống pháp lý: Trước đây tôi có làm tham chiếu cho một người bạn, sau này khi người đó vay tiếp lại dùng lại thông tin của tồi để làm số tham chiếu. FE đã giải ngân mà không liên hệ gì nên tôi không biết về khoản vay. Gần đây vì có sự chậm trả nên tôi liên tục bị nhân viên thu hồi nợ liên hệ làm phiền. Mặc dù rất hợp tác và đã giải thích rằng tôi ko liên hệ với người đó nữa và không còn làm chung. Tuy nhiên, nhân viên đó vẫn lấy hình ảnh của tôi và đăng tải với nội dung vay không trả lên các mạng xã hội và gửi cho bạn bè tôi. Thì với hành vi này tôi có thể kiện được không ạ? Mong luật sư hỗ trợ?
Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:
1. Hầu hết các tổ chức tín dụng đều bắt buộc số điện thoại tham chiếu khi làm hồ sơ vay tín dụng. Fe credit (Fe) – vay tiêu dùng tín chấp cũng không ngoại lệ. Để hồ sơ được duyệt bắt buộc người đề nghị vay phải cung cấp số điện thoại tham chiếu.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ, nghĩa vụ trả nợ thuộc về khách hàng (bên vay) tức là bạn của bạn. Người tham chiếu (Bạn) không có nghĩa vụ trả nợ thay cho người vay.
2. Hiện nay pháp luật đã có những quy định xử lý các hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của người khác. Theo đó,
Về xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ Điểm l, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;”
Như vậy, Bạn là người không vay tiền mà nhân viên thu hồi nợ đăng tải nội dung BẠN không trả tiền lên mạng xã hội và gửi cho bạn bè của Bạn là vu khống, bịa đặt, ảnh hưởng đến uy tín của Bạn. Theo quy định trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đồng thời, các hành vi này có dấu hiệu cấu thành Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó: người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống và có thể bị hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Do vậy bạn cần lưu tại các hình ảnh, bằng chứng vi phạm của những nhân viên xử lý nợ này và có Đơn tố giác hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện để cơ quan cảnh sát giải quyết theo quy định tố tụng hình sự.
Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Phải làm gì khi nhân viên xử lý nợ liên tục quấy rối đòi nợ không đúng người? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa