ĐỒNG PHẠM LÀ GÌ? TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI ĐỒNG PHẠM?

Trong một số trường hợp, làm rõ vấn đề về đồng phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có hay không dấu hiệu của tội phạm. Vậy, đồng phạm là gì? Trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm thế nào?

1. Đồng phạm là gì? Đồng phạm gồm những ai?

Đồng phạm là thuật ngữ được nhắc đến tương đối nhiều trong các văn bản luật cũng như thực tiễn điều tra, xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Theo đó, người đồng phạm gồm:

– Người tổ chức: Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Lưu ý rằng, không phải mọi vụ án đồng phạm đều có người tổ chức. Người giữ vai trò là người tổ chức sẽ thường xuất hiện trong các vụ án phạm tội có tổ chức.

– Người thực hành: Là người trực tiếp thực hiện tội phạm, hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm bởi họ là người trực tiếp thực hiện phạm tội. Dù đồng phạm giản đơn hay phạm tội có tổ chức thì bao giờ cũng có người thực hành.

– Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi xúi giục thực hiện trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, hành vi xúi giục phải cụ thể nhằm vào tội phạm cụ thể và người phạm tội cụ thể. Trường hợp hành vi đó chỉ là lời nói có tính chất thông báo, gợi ý chung chung không cụ thể thì không thể coi là người xúi giục.

– Người giúp sức: Là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức được thể hiện như sau:

  • Cung cấp công cụ, phương tiện, thông tin cần thiết để thực hiện tội phạm;
  • Khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm;
  • Hứa che giấu người phạm tội hoặc hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có…

Hành vi này không trực tiếp gây thiệt hại cho khách thể mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm.

Trong đó, một vụ án đồng phạm không phải lúc nào cũng có đủ 04 loại người đồng phạm nêu trên, một người có thể đóng nhiều vai trò đồng phạm.

Ví dụ về vụ án có đồng phạm:

A, B, C cùng thực hiện một vụ trộm cắp tài sản. Trong đó, A là người đề ra kế hoạch đồng thời chỉ huy những người còn lại thực hiện hành vi phạm tội. B, C là những người trực tiếp trộm cắp tài sản. Khi đó có thể xác định đây là vụ án hình sự có đồng phạm với A là giữ vai trò là người tổ chức; B, C giữ vai trò là là người thực hành.

Trường hợp A chuẩn bị phương tiện phạm tội (dao, đồ cậy khóa cửa…) thì A còn giữ thêm vai trò là người giúp sức.

2. Đặc điểm của đồng phạm thế nào?

Từ định nghĩa trên về đồng phạm, có thể nhận thấy đồng phạm mang các đặc điểm dưới đây:

– Đồng phạm phải có từ hai người trở lên, theo đó những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm như năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

– Cùng cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức mỗi người phạm tội với tư cách là đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại. Đồng thời, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm.

Điều này cũng có nghĩa, sẽ không được coi là đồng phạm nếu người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau mà thay vào đó hành vi của từng người thực hiện một cách độc lập.

3. Xác định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm ra sao?

Đồng phạm là trường hợp từ 02 người trở lên cùng thực hiện tội phạm, do vậy nững người có hành vi phạm tội đều cùng phải chịu trách nhiệm hình sự chung. Theo đó, những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện và đều bị áp dụng hình phạt của cùng một tội mà họ thực hiện.

Mọi đồng phạm đều bị áp dụng nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt.

Bên cạnh đó, mỗi người đồng phạm lại đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập đối với hành vi phạm tội của mình. Điều này thể hiện ở chỗ, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì áp dụng trách nhiệm đến đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.

Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm này cũng đã được nhắc đến tại Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau:

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Đồng phạm là gì? Trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm thế nào? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *