Tình huống pháp lý: Em trai tôi chuẩn bị lên Sài Gòn lập nghiệp nên có hỏi mượn tiền tôi 500.000.000 đồng. Tôi bảo nó phải thế chấp nhà đất của nó cho tôi nhưng nó bảo tôi là cá nhân không được nhận thế chấp đất. Quý Công ty cho tôi hỏi Cá nhân có được nhận thế chấp nhà đất từ cá nhân không?
Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:
1. Căn cứ theo Điểm g Khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013 quy định một trong các quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất là được quyền“Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 144 Luật nhà ở 2014 có quy định: “Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.”
Vậy, cá nhân có thể thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
2. Về điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất
Tiếp đó, tại Khoản 1 Điều 119 Luật nhà ở 2014 điều kiện thế chấp nhà ở:
a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.”
Hiện nay pháp luật về đất đai, nhà ở, công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm không có quy định riêng dành cho tổ chức, cá nhân khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được pháp luật về đất đai ghi nhận trong trường hợp đất đủ điều kiện thế chấp quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 hoặc pháp luật về nhà ở ghi nhận trong trường hợp nhà ở đủ điều kiện giao dịch theo quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014.
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”. Theo đó, khi cá nhân thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác ăn liền với đất thì phải lập hợp đồng và phải được công chứng hoặc chứng thực.
Theo Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm, khi thế chấp quyền sử dụng đất thì phải đăng ký biện pháp bảo đảm. Vậy, đối với việc thế chấp quyền sử dụng đất thì phải đăng ký bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Cá nhân có được thế chấp quyền sử dụng đất – quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân không? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa