NGÂM RƯỢU CÂY ANH TÚC CÓ BỊ PHẠT KHÔNG?

Nhiều người cho rằng, uống rượu ngâm hoa anh túc sẽ đem lại giá trị cho sức khỏe. Thực hư nhận định này thế nào chưa rõ thế nhưng, dưới góc độ pháp lý có không ít người thắc mắc rằng vậy ngâm rượu cây anh túc có bị phạt không?

1. Cây anh túc là gì? Có gây nghiện không?

Cây anh túc còn có các tên gọi khác như cây thuốc phiện, cây á phiến hay cây phù dung. Đây là một loại cây thảo mộc quý được tìm thấy đầu tiên tại Hy Lạp sau đó được trồng phổ biến ở Châu Âu và Châu Á. Dưới góc độ y học, cây anh túc được đồn là có tác dụng như thuốc giảm đau, chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột,…

Nhắc đến cây anh túc, nhiều người thắc mắc rằng sử dụng cây anh túc có gây nghiện hay không? Theo một số thông tin, quả thuốc phiện có chứa những hoạt chất gây nghiện như: Morphin, Nicotine, Codein… nhựa thuốc phiện được chiết xuất từ quả chứa khoảng 0,006-0,26% chất gây nghiện so với lúc chưa lấy nhựa.

Do đó, nếu sử dụng liều lượng cao có khả năng gây nghiện và gây ra các ảo giác hoang tưởng, hưng phấn, sa sút tâm thần. Nếu sử dụng trong thời gian dài, sẽ gây ức chế thần kinh, huyết áp cao, nghẽn mạch, nghiện, loạn nhịp tim…

Như vậy, mặc dù không thể phủ nhận một số tác dụng của cây anh túc, tuy nhiên nếu tùy tiện sử dụng hoặc sử dụng với liều lượng cao có thể gây nghiện. Khi sử dụng để làm thuốc chữa bệnh cần dùng theo kê toa của bác sĩ.

2. Ngâm rượu cây anh túc có bị phạt không?

Rượu cây anh túc được chế biến từ rượu và cây anh túc dưới hai dạng ngâm khô hoặc ngâm tươi. Đây là loại rượu được các dân nhậu “săn lùng” tuy nhiên còn khá hiếm và đắt đỏ.

Như đã nói ở trên, thành phần của cây anh túc có một số chất gây nghiện. Do đó, nếu sử dụng quá liều lượng, có thể coi là sử dụng chất gây nghiện. Vậy ngâm rượu cây anh túc có bị phạt không?

2.1 Ngâm rượu cây anh túc để uống

Uống rượu ngâm quả anh túc có nguy cơ tương tự như dùng các loại ma túy khác nếu liều lượng sử dụng cao. Nguy cơ nghiện ma túy càng cao nếu sử dụng rượu ngâm cây anh túc với liều lượng càng cao.

Theo đó, người nào có hành vi uống rượu ngâm chất ma túy và ra kết quả xét nghiệm là dương tính thì cũng được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định như sau:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, nếu người nào có hành vi uống rượu ngâm quả anh túc và kết quả xét nghiệm là dương tính với ma túy thì sẽ bị coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Mức phạt được áp dụng trong trường hợp này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Trong trường hợp sử dụng rượu ngâm cây anh túc để uống với hàm lượng ma túy có trong rượu cao có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Trên thực tế, việc xử lý hành vi uống rượu ngâm cây anh túc còn chưa phổ biến và cần có thêm hướng dẫn về xử lý hành vi uống rượu ngâm cây anh túc.

2.2 Trồng cây anh túc ngâm rượu để bán

Khác với trường hợp ngâm rượu cây anh túc để uống, hành vi trồng cây anh túc và mức phạt được pháp luật quy định tương đối rõ. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính

Khoản 3 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Như vậy, hành vi trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) ngâm rượu để bán có thể bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm. Người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi mà có

Xử lý hình sự

Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định, người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau có thể bị xử lý về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:

– Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về Tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Trồng cây thuốc phiện với số lượng từ 500 – dưới 3.000 cây.

Mức phạt tù lớn nhất áp dụng với tội này là từ 03 – 07 năm tù, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

– Có tổ chức;

– Với số lượng 3.000 cây trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Ngâm rượu cây anh túc có bị phạt không? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *