Tình huống pháp lý: Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết, người thừa kế có được thừa kế doanh nghiệp đó hay chỉ được thừa kế tài sản của doanh nghiệp tư nhân? Mong Quý Luật sư sớm phản hồi cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:
Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân có một số đặc trưng sau:
– Do một cá nhân làm chủ: Không giống các loại hình công ty khác có nhiều chủ sở hữu, doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ. Đồng thời, cá nhân này cũng tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình (trách nhiệm vô hạn).
– Không được pháp hành chứng khoán: Khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp đã khẳng định:
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
– Không được quyền góp vốn thành lập/mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn (một hoặc từ hai thành viên trở lên) hoặc công ty cổ phần.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân được toàn quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng như việc sử dụng lợi nhuận sau thuế và thực hiện các loại nghĩa vụ tài chính khác.
Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp tư nhân. Người này có thể trực tiếp làm Giám đốc hoặc thuê người khác làm Giám đốc/Tổng Giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, dù có thuê người khác thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp tư nhân này.
Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp, trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì sẽ xử lý doanh nghiệp tư nhân như sau:
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân nếu chết thì theo quy định trên, khi các đồng thừa kế hoặc người thừa kế theo di chúc/theo pháp luật sẽ trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân. Nếu không thoả thuận được thì phải thực hiện một trong hai thủ tục:
– Giải thể doanh nghiệp tư nhân này.
Như vậy, theo quy định này, hoàn toàn có quyền thừa kế doanh nghiệp tư nhân. Nếu các đồng thừa kế thoả thuận được hoặc trong di chúc của chủ doanh nghiệp tư nhân có để lại doanh nghiệp tư nhân cho người thừa kế hoặc chia theo pháp luật và được các đồng thừa kế đồng ý cử một người đứng ra làm chủ doanh nghiệp tư nhân mới.
Khi đó, người thừa kế phải thực hiện thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, nếu không thoả thuận được thì phải chuyển đổi loại hình thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân.
Riêng trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân không có người thừa kế thì thực hiện theo Điều 622 Bộ luật Dân sự:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Trong trường hợp này, sau khi thực hiện các nghĩa vụ về tài sản (trả nợ, trả lương nhân viên…) thì tài sản còn lại của doanh nghiệp tư nhân sẽ thuộc về Nhà nước.
Thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp chủ doanh nghiệp chết. Thủ tục thực hiện như sau:
Hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của những người thừa kế hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân.
– Giấy tờ pháp lý của người thừa kế doanh nghiệp tư nhân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn (bản sao).
– Văn bản thoả thuận phân chia/Văn bản khai nhận di sản thừa kế (bản sao).
Cơ quan giải quyết thay đổi chủ doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời gian thực hiện
Ngay sau khi người có yêu cầu nộp hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hợp lệ thì sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với thông tin về chủ doanh nghiệp tư nhân mới cho người có yêu cầu.
Trên đây là ý kiến trả lời cho câu hỏi của Quý khách với các thông tin mà Quý khách đã cung cấp dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Nội dung trao đổi có thể thay đổi tuỳ thuộc vào tài liệu, hồ sơ mà Quý Khách cung cấp thêm. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa