Hiện nay, tình trạng giả mạo chữ ký khi thực hiện các giao dịch hay làm các thủ tục, giấy tờ pháp lý ngày càng nhiều. Tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo chữ ký.
1. Thế nào là giả mạo chữ ký?
Chữ ký là một biểu tượng viết tay của con người, có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Do vậy, chữ ký của mỗi người sẽ do chính người ấy sáng tạo ra nên thường khó có sự trùng lặp.
Giả mạo chữ ký được hiểu là hành vi tạo ra biểu tượng viết tay không thực của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Chủ thể thực hiện hành vi này gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn và những người không có chức vụ, quyền hạn.
Giả mạo chữ ký hiện nay được thực hiện dưới nhiều dạng với nhiều mục đích khác nhau gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác, đồng thời làm giảm uy tín của các cơ quan Nhà nước. Tùy theo hành vi và mức độ hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về tội tương ứng. Trong đó, hành vi giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội phổ biến nhất.
2. Xử phạt hành chính hành vi giả mạo chữ ký
Một số trường hợp giả mạo chữ ký phổ biến bị xử lý vi phạm hành chính như sau:
– Giả mạo chữ ký trong hoạt động công chứng, chứng thực:
Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Phạt tiền từ 25 – 35 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chũ ký của công chứng viên (điểm b khoản 6 Điều 15);
+ Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (điểm a khoản 2 Điều 34).
– Giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự.
– Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
– Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán:
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng với trường hợp chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.
3. Tội giả mạo chữ ký bị xử lý thế nào?
– Hành vi giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản:
Giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thường xuất hiện trong trường hợp mua bán hợp đồng, hợp đồng vay vốn, hợp đồng… Người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, mức phạt thấp nhất Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 – dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội trộm cắp tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản;… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mức phạt cao nhất của Tội này là phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân với trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
– Hành vi giả mạo chữ ký trong công tác
Hành vi giả mạo chữ ký trong trường hợp này được thực hiện bởi người có quyền hạn, chức vụ. Cụ thể, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 – 05 năm, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 – 20 năm.
Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Tội giả mạo chữ ký người khác bị xử lý thế nào? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa