Tình huống pháp lý: Chào Luật sư, năm 2019, vì quen biết ông B là chủ của một cơ sở sản xuất giày dép, mẫu hàng đẹp, sang trọng nên tôi đã ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với ông B, tôi đã đặt cọc trước cho ông B là 100.000.000 VNĐ. Tuy nhiên từ năm 2019, ông B chưa lần nào cung cấp hàng hóa cho tôi. Trong hợp đồng đã nêu rõ là tôi có quyền nhận lại số tiền đặt cọc là 100.000.000 VNĐ nếu ông B không thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, sau nhiều lần nói chuyện, ông B không chịu trả lại số tiền đặt cọc cho tôi. Nay tôi muốn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án đòi lại tiền đặt cọc. Để bảo đảm ông B có khả năng trả lại tiền đặt cọc, tôi muốn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản và tài khoản ngân hàng của ông B. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên hay không? Tiền ký quỹ là bao nhiêu? Rất mong nhận được giải đáp của Luật sư.
Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:
[1]. Quy định pháp luật về biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng của người có nghĩa vụ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trong quá trình giải quyết vụ án, bạn có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách, bảo về tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
Căn cứ theo Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài khoản Ngân hàng hay phong tỏa tài sản của người khác thì người yêu cầu phải nộp cho Tòa chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 quy định như sau:
“Điều 12. Về xác định giá trị tương đương khi phong tỏa tài khoản, tài sản quy định tại khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự
2. Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
3. Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sựkhông chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.”
Dựa vào quy định thì Toà án chỉ được phong toả tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện theo đơn khởi kiện, trong vụ việc của Quý khách là không quá 100 triệu đồng.
Theo quy định pháp luật tại Khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 thì “Để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Căn cứ vào quy định trên, để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Toà án sẽ ấn định và yêu cầu Quý khách phải nộp một khoản tiền tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp của Quý khách, Toà án có thể yêu cầu Quý khách nộp một khoản tiền không thấp hơn 20 triệu đồng để bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Quy định pháp luật về biện pháp về biện pháp khẩn cấp tạm thời: Phong toả tài sản và tài khoản ngân hàng của người có nghĩa vụ? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !
………………………………..
Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36
Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Website: www.luatsuthanhhoa.vn
Email: luatsuthanhhoa@gmail.com
Điện thoại: 0936.92.36.36
Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36
https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa