MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐỂ CÂN BẰNG LỢI ÍCH CỦA CÁC CỔ ĐÔNG KHI ÁP DỤNG CỔ PHIẾU THƯỞNG (ESOP)

Cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ưu đãi là một loại cổ phiếu khá phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức,… nhưng còn tương đối mới lạ ở các quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) trong những năm gần đây đang được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng như một phương thức thúc đẩy động lực phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số mâu thuẫn, tranh chấp đang dần manh nha khi quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng chính từ việc áp dụng, sử dụng ESOP. Vậy nên việc hiểu, áp dụng đúng và dung hòa được quyền lợi của các bên liên quan đến ESOP là rất quan trọng.

  1. ESOP là gì? Những ai có quyền được mua, được hưởng ưu đãi ESOP?

ESOP là viết tắt của cụm từ “Employee Stock Ownership Plan”, có nghĩa là “kế hoạch phát hành cổ phần thuộc sở hữu của người lao động” hay “kế hoạch phát hành cổ phần thưởng cho người lao động”.

ESOP xuất hiện lần đầu tại San Francisco vào năm 1956 như một công cụ được tạo ra để chuyển quyền sở hữu của hai nhà sáng lập Công ty Peninsula Newspaper Inc (lúc đó đều đang ở độ tuổi 80) cho những người kế nhiệm mà họ đã lựa chọn – là những nhà quản lý và người lao động đã có nhiều cống hiến cho công ty.

Vậy nên, có thể thấy ESOP như là một phương thức, công cụ để Công ty khuyến khích, vực dậy sự đam mê, ghi nhận sự cống hiến của người lao động đối với công ty. Thông qua việc thưởng cổ phiếu cho người lao động thì nay người lao động trở thành một cổ đông và người lao động càng làm tốt công việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng các giá trị tăng lên của cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.

Từ bản chất của công cụ ESOP thì những vị trí trong Công ty có thể được hưởng ưu đãi khi mua cổ phiếu ESOP là ban lãnh đạo Công ty, người lao động khi đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện của Công ty như thâm niên làm việc, khả năng phát triển, đóng góp vào công ty, thành tích nổi bật trong những năm gần nhất, cấp bậc nội bộ, sáng kiến cải tiến,…

Tại Việt Nam, cổ phiếu dùng để thưởng, hoặc bán với mức giá ưu đãi cho người lao động đã được quy định tại điểm c, khoản 1 Phần III Thông tư 19/2003/TT-BTC, cụ thể:

1. Công ty cổ phần được mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần loại khác đã bán như quy định tại Điều 65 Luật Doanh nghiệp. Công ty cổ phần chỉ được sử dụng nguồn vốn của các cổ đông để mua cổ phiếu quỹ trong các trường hợp sau:

  1. Mua lại cổ phần để bán cho người lao động (kể cả ban quản lý doanh nghiệp) theo giá ưu đãi hoặc thưởng cho người lao động bằng cổ phiếu theo nghị quyết của đại hội cổ đông.

Việc dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng phải đảm bảo có nguồn thanh toán từ quỹ phúc lợi, khen thưởng.

Giá bán cổ phiếu quỹ cho người lao động được thực hiện theo mức thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán, nhưng phải đảm bảo không thấp hơn giá mua vào của cổ phiếu quỹ.”

Như vậy, Công ty được mua lại cổ phần phổ thông đã phát hành (không quá 30%) để làm cổ phiếu quỹ nhằm mục đích làm cổ phiếu thưởng cho người lao động (kể cả ban quản lý doanh nghiệp). Tiếp theo đó, các lần sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cũng đã có các quy định chặt chẽ hơn đối với việc áp dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho người lao động.

Theo đó, tại Điều 35 Thông tư 162/2015/TT-BTC quy định điều kiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong Công ty đại chúng đáp ứng các điều kiện như sau:

(i) Có chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;

(ii) Tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình trong mỗi mười hai (12) tháng không được vượt quá năm phần trăm (5%) số cổ phần đang lưu hành của công ty;

(iii) Hội đồng quản trị phải công bố rõ các tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng và thời gian thực hiện;

(iv) Công ty phải có đủ nguồn vốn thực hiện theo quy định, căn cứ báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán để phát hành cổ phiếu thưởng.

Và nay, tại Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cũng quy định các điều kiện tương tự như Thông tư 162/2015/TT-BTC nhưng làm rõ hơn nội dung phần nguồn vốn để thực hiện việc phát hành cổ phiếu để thưởng cho người lao động.

Trong 05 năm trở lại đây, khi Luật Doanh nghiệp 2014 (nay là Luật Doanh nghiệp 2020), Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thì công cụ ESOP đang được sử dụng triệt để, rầm rộ. Đơn cử: Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Tập đoàn Pan thì HĐQT đề xuất ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch không chi trả cổ tức năm 2018, mà muốn phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP. Theo kế hoạch được trình ĐHĐCĐ năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Con số này tại ABBank là 11,4 triệu cổ phiếu và tại OCB là 5 triệu cổ phiếu. VPBank dù quyết định không chia cổ tức, song vẫn hào phóng bán 15 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên, thực hiện vào quý III/2021.

Bên cạnh những lợi ích mà ESOP mang lại như khuyến khích, nâng cao năng suất lao động cho người lao động, mang lại lợi ích tài chính cho Công ty thì những tiềm ẩn, nguy cơ xung đột lợi ích đang dần tăng. Bởi, ESOP đang có xu hướng bị sử dụng như một công cụ để trục lợi bởi một bộ phận cổ đông kiêm nhà quản lý của Công ty.

  1. Những nguyên nhân dẫn đến xung đột, mẫu thuẫn

ESOP như đã trình bày là một công cụ, biện pháp để thúc đẩy động lực phát triển của Công ty. Với việc thưởng, đưa ra mức giá bán cổ phiếu đã qua chiết khấu hoặc một số tiền mang ý nghĩa tượng trưng thấp hơn nhiều lần so với thị giá cổ phiếu, đôi khi giá mua còn bằng 0. Vậy nên, khoản chênh lệch, bù trừ thì Công ty phải dùng “nguồn tài chính” của mình để thực hiện, nguồn vốn có thể là Thặng dư vốn; Quỹ đầu tư phát triển; Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; Quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật…. Như vậy, thì những nguồn vốn này mang bản chất là tài sản của Công ty, là nguồn tiền của các cổ đông, và được sử dụng chia cho những người được hưởng ESOP.

Vậy nên, nếu ESOP không được thiết kế thực sự hướng đến mục tiêu tạo động lực cho sự phát triển của Công ty thông qua việc phân quyền mua cho những người lao động để họ có động lực tạo ra giá trị lớn hơn cho Công ty; mà việc ESOP lại mang đến quyền lợi cho một bộ phận nhỏ những người trong Công ty, ban lãnh đạo Công ty thì mục đích ban đầu của ESOP không đạt được. Do đó, tranh chấp xảy ra là điều tất yếu, khi những quyền lợi của các bên đã bị ảnh hưởng, đơn cử tóm gọn trong những vấn đề sau:

Thứ nhấtQuyền lợi của các cổ đông hiện hữu bị ảnh hưởng.

Việc Công ty phát hành thêm cổ phiếu với giá ưu đãi cho người lao động sẽ dẫn tới hiện tượng pha loãng giá, gây hại cho những cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây là tình huống gây bức xúc nhất cho các cổ đông hiện hữu, vì ngay lập tức có một lượng cổ phiếu “xuất hiện” làm giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty, đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền ưu tiên mua cổ phần… theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Để hiểu rõ nhận định này thì có một ví dụ như sau:

Công ty Cổ phần A thành lập năm 2010 với vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng, tương ứng với 100.000 cổ phần phổ thông. Ông B là cổ đông sáng lập, góp 100 triệu đồng, nắm giữ 10.000 cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ Công ty. Năm 2021, Công ty Cổ phần A muốn giữ lại một số người lao động giỏi nên quyết định phát hành thêm 50.000 cổ phần thưởng – ESOP cho người lao động, dẫn đến tăng vốn điều lệ của Công ty lên 1,5 tỷ đồng. Ông B không thuộc trường hợp được nhận ESOP, và vẫn nắm giữ 10.000 cổ phần. Tuy nhiên, trong trường hợp này người nhận thưởng tỷ lệ sở hữu trong Công ty được tăng lên, còn tỷ lệ sở hữu của ông B bị giảm xuống. Bởi số cổ phần của ông B vẫn giữ nguyên nhưng tổng số cổ phần của Công ty đang ngày càng tăng, và càng ESOP thì ông B càng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần/vốn điều lệ.

Bên cạnh việc bị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần/vốn điều lệ việc tăng thêm số cổ phần lưu hành trên thị trường với mức giá phát hành thấp hơn giá bán trên thị trường, là hiệu ứng tăng cung cổ phiếu, khiến giá có xu hướng sụt giảm.

Năm 2019, thị trường chứng khoán đã có phản kháng mạnh mẽ khi hàng loạt các Công ty niêm yết như PAN (Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN), Novaland,… công bố việc thực hiện chào bán cổ phần ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động, rồi lại phải tạm ngừng, hủy bỏ vì giá cổ phiếu sụt giảm quá nhiều.

Từ sự việc nêu trên thì có thể nhận thấy, khi ESOP thì một số cổ đông bị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Công ty mặc dù số lượng cổ phần mà họ nắm giữ vẫn không đổi. Điều này dẫn đến các cổ đông bị giảm tỷ lệ sở hữu, giảm luôn tỷ lệ biểu quyết khi thông qua các vấn đề tại Công ty như (ưu tiên mua cổ phần phát hành mới, đề cử người vào Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông…).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu điều lệ Công ty không có quy định khác, các nghị quyết liên quan đến việc phát hành ESOP hoàn toàn có thể được thông qua với tỷ lệ ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Vậy nên, với việc nắm giữ cổ phần ít dẫn đến việc biểu quyết, ngăn chặn ESOP đối với các nhóm cổ đông nhỏ tại Công ty là bị ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, đây cũng là một mâu thuẫn lớn, khi các cổ đông muốn ngăn cản ESOP nhưng không thực hiện được. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các cổ đông đã đồng thuận, từ chối không thông qua ESOP, như trường hợp năm 2013 Tổng công ty Sữa Việt Nam (VNM) trình phát hành cổ phiếu ESOP nhưng bị cổ đông phủ quyết.

Thứ hai: Lãnh đạo Công ty/Cổ đông lớn dễ dàng trục lợi khi Esop

Tại Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng được hưởng ESOP là những người lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn được tham gia chương trình được ĐHĐCĐ thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua. Như vậy, có thể nhận thấy những đối tượng này sẽ được lựa chọn, xác định tùy theo các quy định nội bộ của Công ty.

Về bản chất, ESOP mang tính ưu đãi cho một nhóm nhỏ người lao động và tác động đến quyền lợi trực tiếp của các cổ đông tại Công ty. Bởi lẽ, nếu không thực hiện ESOP thì các cổ đông có thể được phân chia cổ tức từ việc Công ty sử dụng các nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để phân chia cho các cổ đông thì nay nguồn tài chính này được sử dụng để ESOP. Đây là một quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cổ đông, nhưng thẩm quyền để đưa ra tiêu chuẩn và danh sách người lao động được lựa chọn để phát hành ESOP lại thuộc về Hội đồng quản trị.

Hầu hết các chức danh trong Hội đồng quản trị trên thực tế lại do các cổ đông lớn nắm giữ, bởi khi thực hiện việc lựa chọn, bầu thành viên Hội đồng quản trị tại Đại hội đồng cổ đông thì với việc nắm giữ nhiều cổ phần, thì tỷ lệ biểu quyết sẽ cao hơn, xác suất vào bộ máy quản trị của Công ty thuận tiện hơn.

Theo quy định tại Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP các tiêu chí lựa chọn và danh sách người lao động được hưởng ESOP do Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua. Tuy nhiên, người đưa ra các tiêu chí để trình lên ĐHĐCĐ lại là HĐQT, nên dẫn đến việc HĐQT hoàn toàn có quyền đưa mình vào danh sách để được hưởng lợi từ việc ESOP.

Ngoài việc, tự chỉ đích danh mình được hưởng ESOP thì việc HĐQT “cơ cấu” cho người thân hữu, có mối liên hệ với mình để được hưởng ESOP là điều rất dễ dàng. Mục đích hướng đến là việc những người này muốn tăng tỷ lệ sở hữu trong Công ty nhưng lại bỏ ra với chi phí thấp, và các khoản vậy chất khác. Vậy nên, cổ phiếu ESOP là ngòi nổ cho sự xung đột lợi ích và mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và cổ đông.

Năm 2021, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã CK: DIG) thông qua kế hoạch phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ là 4,28% vốn điều lệ. Công ty dự kiến huy động được 225 tỷ đồng, thời gian dự kiến là quý II/2021 và/hoặc quý III/2021. Trong đó, cổ phiếu dự kiến bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Đáng chú ý, trong danh sách dự kiến phát hành, 4 lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp được mua 91,7% tổng lượng cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành đợt này.

Trước đó, vào năm 2018, Công ty SSI phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP và 1/3 trong số đó là dành cho lãnh đạo; Công ty Tập đoàn Đất Xanh phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP, danh sách cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu ESOP là 125 người. Điều đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Công ty thì đã mua tới 3,21 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tới 43% lượng cổ phiếu ESOP phát hành. Năm 2021, Công ty Tập đoàn Đất Xanh phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 1,33% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 0 đồng, chỉ cần mang lượng hàng này bán trên sàn, với giá chỉ 20.000 đồng/CP cũng đã thu về 140 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư phải mua với giá trên sàn gần 29.000 đồng/CP (phiên thứ 2, ngày 7/6).

Trong khi đó, các cổ đông bị ảnh hưởng rất khó chứng minh được việc Hội đồng quản trị không minh bạch trong việc đưa ra các tiêu chí để lựa chọn những người được hưởng ESOP. Thực tế cho thấy, có không ít Công ty phát hành cổ phiếu ESOP mỗi năm nhưng không có bất kỳ giải trình nào cho cổ đông về tính hiệu quả do cổ phiếu ESOP mang lại. Khi cổ phiếu ESOP được phát hành liên tục, dẫn đến các nhà đầu tư, cổ đông bất bình khi quyền lợi của mình không được hài hòa, đảm bảo dẫn đến những lệnh bán tháo được đưa ra khiến giá trị cổ phiếu suy giảm.

Mục đích lớn nhất của ESOP là ghi nhận sự đóng góp của nhân viên, khuyến khích nhân viên làm việc, gắn bó với Công ty và kết quả công việc thực hiện tốt thì lợi ích từ sự tăng giá cổ phiếu mà nhân viên được hưởng. Nếu bán với giá thấp, hoặc 0 đồng thì sơ với thị giá, ngay khi nhận được cổ phiếu thì người hưởng lợi từ ESOP đã có lời.

Dẫn đến, những người được hưởng ESOP đã nhanh chóng chuyển nhượng cổ phiếu ESOP do pháp luật không có quy định về thời hạn hạn chế chuyển nhượng mà cho các Công ty tự quyết định. Nhận thấy những điểm bất cập này, thì Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã có quy định cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

  1. Cần cân bằng lợi ích, quyền lợi của các bên khi áp dụng ESOP

Như đã đề cập gói ESOP luôn có hai mặt và chỉ có tác dụng khi được thiết kế phù hợp. Để tránh việc ảnh hưởng tiêu cực đến giá của cổ phiếu Công ty khi thực hiện ESOP thì ở Mỹ các Công ty lập một nguồn quỹ tín thác, góp bằng vốn tự có hoặc vay từ các định chế tài chính. Qũy này sẽ được dùng để mua cổ phiếu quỹ hoặc cổ phiếu mới phát hành của Công ty, sau đó chi cho người lao động. Điều này dẫn đến việc cổ phiếu được “mua” đúng với giá trị của nó, các nhà đầu tư, cổ đông sẽ an tâm hơn sơ với việc cổ phiếu bị bán với giá rẻ.

Trong khi đó, để bảo vệ nhà đầu tư thì tại Thái Lan đã đưa ra các tiêu chí để xác định như thế nào được xem là việc pha loãng cổ phiếu cao hay thấp, để từ đó có các quy định khác nhau bảo vệ nhà đầu tư. Đơn cử: Đợt phát hành tạo nên hiệu ứng pha loãng cao với số lượng cổ phiếu được chào bán lớn hơn 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết và giá chào bán thấp hơn mức 90% giá thị trường; Hiệu ứng pha loãng thấp (không thuộc trường hợp tạo ra hiệu ứng pha loãng cao).

Khi thực hiện việc ESOP trong trường hợp tạo nên hiệu ứng pha loãng cao thì cần sự chấp thuận của ít nhất ba phần tư tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp và tỷ lệ cổ đông phản đối ít hơn 5% tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp. Ngoài ra, khi người nào nhận được hơn 5% tổng số cổ phiếu ESOP thì cũng phải đạt được sự biểu quyết nêu trên. Bên cạnh đó, hồ sơ trình ĐHĐCĐ bắt buộc phải có ý kiến đánh giá độc lập của ủy ban thù lao về lý do, sự cần thiết và lợi ích công ty đạt được khi phân bổ cho một nhân viên với tỷ lệ như vậy. Vậy nên có thể nhận thấy, để đạt được sự phê duyệt thì đã trải qua các khâu kiểm duyệt về tính hợp lý của việc phân bổ cổ phiếu ESOP, những người được hưởng; khi thực hiện biết quyết thì đạt được sự chấp thuận gần như tuyết đối của các Cổ đông, nên những mâu thuẫn sẽ được hạn chế tối đa.

Hiện theo các quy định tại pháp luật Việt Nam về phát hành cổ phiếu ESOP thì đang còn sơ sài, quy định mang tính chung chung và thường đẩy cho các Công ty tự điều chỉnh, xử lý. Vậy nên, cần phải có các quy định ràng buộc chặt chẽ liên quan đến việc đưa ra các tiêu chí đánh giá, người được hưởng ESOP, như số năm tối thiểu phải cống hiến để chính thức sở hữu loại cổ phiếu này; tỉ lệ được hưởng cổ phiếu này, cũng như thời gian thử thác để chuyển hóa ESOP thành cổ phần phổ thông. Đối với các Công ty đại chúng thì bộ hồ sơ khi ESOP phải được UBCK xem xét, chấp thuận trên cơ sở giải trình của Công ty phát hành.

Ngoài ra, cần tăng thời gian để được chuyển nhượng ESOP khi các đối tượng được hưởng từ 01 năm lên đến 03 năm tương ứng với thời gian hạn chế chuyển nhượng của cổ đông sáng lập và cũng nên giới hạn tỉ lệ % cổ phần ESOP khi chuyển nhượng cho các bên khác khi hết thời gian hạn chế, tránh việc bán tháo ồ át, gây ảnh hưởng đến thị trường.

Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang cần thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư lớn, nhưng cũng cần vừa thực hiện ESOP, tránh các điểm mẫu thì các bên có thỏa thuận các điều khoản chống pha loãng cổ phiếu được giới hạn về thời gian, hay tỉ lệ pha loãng cổ phiếu. Bởi vì, các cổ đông lớn vào đầu tư, nhưng Công ty liên tục sử dụng ESOP để pha loãng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông thì việc các bên tranh chấp, hay chấm dứt hợp tác, thoái vốn là điều tất yếu diễn ra.

Với những điểm tốt đẹp ban đầu từ ESOP là công cụ hỗ trợ cho tiến trình phát triển của doanh nghiệp, để đạt được hiểu quả, tạo sự an tâm cho các cổ đông, nhà đầu tư thì cần phải có các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này./.

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36  về việc: Một số vấn đề pháp lý để cần bằng lợi ích của các cổ đông khi áp dụng cổ phiếu thưởng (ESOP) dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *