HIỂU THẾ NÀO LÀ DOANH NGHIỆP MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN ĐỂ YÊU CẦU PHÁ SẢN?

Tình huống pháp lý: Công ty MA có nợ Công ty tôi và các Công ty khác rất nhiều tiền nhưng không thanh toán mặc dù có tài sản. Việc vay, mượn có thỏa thuận bằng hợp đồng, ấn định rõ thời gian thanh toán mặc dù chúng tôi đã liên hệ rất nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết. Pháp luật Việt Nam có quy định về mức nợ cụ thể để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không? Và Công ty MA có được xem là Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không? Trường hợp Công ty tôi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng chỉ nộp lệ phí phá sản mà không nộp tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án có giải quyết hay không?

Trả lời: Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật 36. Dựa trên những thông tin được cung cấp, sau khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, Công ty Luật 36 xin đưa ra một số trao đổi như sau:

  1. Về việc xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà chỉ cần có đủ các điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014, cụ thể: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

Căn cứ vào quy định trên thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.
  • Khoản nợ đến hạn thanh toán. Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trong trường hợp này mặc dù Công ty MA còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho Công ty bạn theo Hợp đồng vay, mượn mà hai bên đã giao kết thì vẫn được xem là doanh nghiệp “mất khả năng thanh toán”.

  1. Về việc nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản

Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật Phá sản 2014 thì nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ của người nộp đơn. Trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại Khoản 2 Điều 5 và điểm a Khoản 1 Điều 105 của Luật phá sản 2014 không phải nộp lệ phí phá sản, gồm:

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật phá sản 2014 mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản (Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.)

Và Điều 39 Luật Phá sản 2014 có quy định: “Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.”

Như vậy, việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản cho Tòa án là hai điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý phá sản. Nếu Công ty bạn thuộc trường hợp phải nộp lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản mà chỉ nộp lệ phí phá sản thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu cho Công ty bạn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản 2014:

“1. Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:

đ) Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.”

Trên đây là Giải đáp của CÔNG TY LUẬT 36 cho câu hỏi: Hiểu thế nào là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để yêu cầu phá sản? dựa trên các quy định của Pháp luật hiện hành. Trong trường hợp Quý khách cần làm rõ hơn các vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ tới Đường dây nóng: 0936.92.36.36 để được Phục vụ & Giải đáp. Trân trọng cảm ơn !

………………………………..

Luật sư tại Thanh Hóa: CÔNG TY LUẬT 36

Trụ sở: Tầng 2, Tòa nhà Hợp khối, số 164 Lý Nam Đế, P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (Sau Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)

Website: www.luatsuthanhhoa.vn 

Email: luatsuthanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0936.92.36.36

Fanpage: CÔNG TY LUẬT 36

https://www.facebook.com/luatsuthanhhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *